Phanh đĩa được phát minh ra vào những năm 1890, tuy nhiên phải đến năm 1942 mới bắt đầu được ứng dụng phổ biến trên các dòng xe đua cũng như xe thương mại.
Phanh đĩa tản nhiệt tốt hơn cũng như đòi hỏi độ chính xác cao hơn và hiệu quả sử dụng cũng lớn hơn nhiều phanh tang trống. Phanh đĩa cấu tạo bao gồm một hoặc 2 đĩa phanh gắn cùng bánh, củ phanh dùng dầu thủy lực, má phanh gắn liền với trục cố định để ngậm đĩa và ép má phanh vào đĩa khi cần phanh bằng áp lực dầu lưu thông trong ống thủy lực.
Phanh đĩa tốt hơn phanh tang trống, tuy nhiên...
Những đĩa phanh đầu tiên ra đời chỉ được làm bằng sắt thép, tuy nhiên sau đó do hiện tượng gỉ sét và gãy vỡ sau một thời gian sử dụng, hệ thống này đã được làm bằng hợp kim cao cấp hơn và được mạ một lớp kim loại đặc biệt chống gỉ sét cũng như chịu được nhiệt độ cao hơn ở vận tốc lớn hơn.
...diện tích tiếp xúc lớn nên thường hay bị quá nhiệt gây cháy má phanh
Cũng như phanh tang trống, đĩa phanh đặc cho tiết diện tiếp xúc lớn, tuy nhiên vấn đề phát sinh là khả năng tản nhiệt lại rất kém, bám bùn đất trên bề mặt khó bay đi và thường xuyên bị quá nhiệt dẫn đến mất phanh, bó phanh hay thậm chí cháy má phanh và hư hỏng củ phanh. Như một xu hướng tất yếu, những chiếc xe mới ngày càng hiện đại, tốc độ ngày càng cao đòi hỏi một hệ thống phanh tương ứng đáp ứng được nhu cầu, và những chiếc phanh đĩa được đục lỗ ra đời.
Phanh đĩa được đục lỗ có thiết kế mỏng hơn so với phanh đĩa không đục lỗ, có nhiều hình dạng như răng cưa, lượn sóng để tăng diện tích tiếp xúc với không khí. Những đĩa phanh được đục lỗ giúp cho hệ thống phanh ổn định hơn và có thể hoạt động ở mọi điều kiện vận hành xe.
Phanh đục lỗ hàng hiệu Brembo
Những lỗ nhỏ trên đĩa phanh giúp diện tích tiếp xúc của má phanh và mặt đĩa lớn hơn và đều hơn do giảm nhiệt lượng sinh ra, toàn bộ bụi đất hay nước bám vào đều bị những lỗ nhỏ đánh bay, đồng thời những lỗ nhỏ này cũng cân bằng áp suất giữa 2 mặt má phanh, tạo ra các gờ nhỏ ở mức độ phân tử giúp má phanh bám hơn so với mặt đĩa làm cho hiệu quả phanh tăng cao. Chưa hết các lỗ nhỏ này còn phân tán đều lực phanh cũng như nhiệt độ của cả đĩa phanh giúp giảm thiểu tình trạng bị nóng hay nứt vỡ tại một điểm trên đĩa phanh.
Các loại lỗ trên đĩa phanh hiện đại có nhiều hình thù khác nhau để tăng tính thẩm mĩ cũng như hiệu quả phanh tối đa cho người dùng. Ngoài ra công nghệ vật liệu mới cũng cho phép chế tạo các đĩa phanh tốt hơn, bền hơn, cứng hơn và tản nhiệt nhanh hơn như hệ thống phanh bằng hợp kim gốm Ceramic hay công nghệ đĩa phanh bằng Carbon (dùng trên xe đua). Điểm chung là tất cả các hệ thống phanh này vẫn áp dụng kiểu thiết kế lỗ trên bề mặt đĩa như truyền thống ngoại trừ một số dòng xe đua chuyên dụng.
Hầu hết các siêu xe Ferrari đều được lắp phanh gốm Ceramic
Một điểm khác thường mà ít người chú ý là hầu hết xe đua chuyên nghiệp hiện sử dụng đia phanh không có lỗ hoặc rất ít lỗ trên bề mặt, thậm chí mặt đĩa trơn phẳng hoàn toàn. Loại đĩa phanh này cũng được bán nhiều cho dân chơi độ xe.
Điều này làm nhiều người dễ hiểu nhầm đĩa phanh không có lỗ sẽ cứng hơn có lỗ. Thực tế, các đĩa này làm từ chất liệu đặc biệt ít hấp thu nhiệt cũng như tản nhiệt cực nhanh, được thiết kế dạng đĩa kép với các rãnh nằm ở giữa hỗ trợ tản nhiệt nhanh. Những công nghệ đó nếu đem áp dụng vào sản xuất xe thương mại sẽ khiến giá thành bị đẩy lên rất cao. Chưa kể má phanh của xe đua chuyên nghiệp cũng được thiết kế riêng biệt cho từng loại đĩa phanh thay vì sản xuất đại trà.
Như vậy, đĩa phanh đục lỗ vẫn sẽ là lựa chọn tối ưu cho xe thương mại, thiết kế loại đĩa phanh này này theo đánh giá của nhiều chuyên gia sẽ gần như không thể bị thay thế ngay cả trong tương lai.